Cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con từ nhỏ và mức độ phụ thuộc độ tuổi của bé chứ đừng e ngại mà khiến bé ngày càng tò mò, tự tìm hiểu theo những cách thiếu lành mạnh.
Nhiều số liệu thống kê cho thấy các bậc phu huynh quá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này. Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía cha mẹ. Các em không biết nên giải thích thế nào về chuyện đáng sợ đã xảy ra và tin vào lời hăm dọa “hãy giữ kín” của những kẻ lạm dụng.
Bạn không thể luôn bảo vệ trẻ 24/24h nhưng bạn có thể làm rất nhiều để giảm nguy cơ bị xâm hại cho trẻ. Đơn giản là hãy thẳng thắn chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình cho các em từ trước.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất trong vấn đề giáo dục giới tính là truyền đạt thông tin phù hợp với lứa tuổi và trình độ hiểu biết của trẻ. Theo đó:
Khi bé vừa biết đi
Hãy nói với trẻ về cấu tạo chung của cơ thể chúng. Dạy bé biết tên gọi tất cả các bộ phận trên người, bao gồm cả các bộ phận sinh dục. Hãy nói cho chúng biết chính xác tên các cơ quan đó và sau đó hãy sử dụng một cái tên dễ thương để gọi các bộ phận ấy.
Cha mẹ hãy bắt đầu dạy cho con về những hành động gì không nên làm, một vài bộ phận cơ thể là riêng tư và không thể chỉ cho người khác thấy hay đụng chạm (ngoại trừ cha, mẹ và bác sĩ khám bệnh).
Khi trẻ sắp đến tuổi đi học
Hãy tiếp tục nói với chúng về các bộ phận trên cơ thể và diễn giải cụ thể hơn. Hãy trả lời những câu hỏi của con trẻ một cách ngắn gọn, chính xác và phù hợp với độ tuổi của con. Đối với một vài câu hỏi quá nhạy cảm, bạn không cần phải cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ mà hãy lý giải và đưa ra một ví dụ để trẻ hiểu trong giới hạn an toàn của tính tò mò.
Phụ huynh đừng tỏ ra ngượng nghịu hay xấu hổ bởi những câu hỏi của bé, cũng đừng khiến trẻ xấu hổ khi đối diện với các bộ phận trên cơ thể.
Nếu trẻ có thói quen đụng chạm đến bộ phận sinh dục thì hãy bảo chúng không được làm như thế ở nơi công cộng và đây là hành động riêng tư.
Đối với trẻ 5-8 tuổi
Đến độ tuổi này, trẻ bắt đầu có những câu hỏi tò mò về tình dục như: “Con được sinh ra từ đâu?” hoặc “Tình dục là gì?”. Nguyên tắc khi trả lời những kiểu câu hỏi này là phải đúng sự thật nhưng cần phù hợp với độ tuổi của trẻ. Hãy cung cấp cho chúng những thông tin đầy đủ chính xác để thỏa mãn sự tò mò bên cạnh những miêu tả về mặt y học.
Cha mẹ hãy nhớ đừng tỏ thái độ bối rối, chỉ trích hay quở trách con. Đừng phán xét con là hư khi tò mò về tình dục, bởi sự thực tình dục vẫn được xem là một món quà tuyệt vời của tạo hóa nhằm mục đích duy trì nòi giống cho loài người.
Từ 8 đến 10 tuổi
Đây là lứa tuổi then chốt đòi hỏi cha mẹ phải diễn tả chi tiết hơn về giới tính, tình dục cho trẻ hiểu. Có thể chúng sẽ đặt ra những câu hỏi về việc sinh sản, cưới hỏi và tình dục nên phụ huynh đừng sốc. Thay vì né tránh việc trả lời thì hãy thảo luận với trẻ bằng thái độ chia sẻ cởi mở.
Đây là giai đoạn thích hợp nhất để cha mẹ tạo ra ảnh hưởng trên con trẻ, dạy chúng về những giá trị của tình dục và các hành vi liên quan.
Cha mẹ hãy nghĩ về những giá trị cao đẹp của tình dục và những gì mà bạn cho là phù hợp rồi giải thích cho trẻ ngay từ độ tuổi này. Hãy nói cho chúng biết rằng tình dục là điều tuyệt vời, nhưng đó cũng là động cơ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng nếu con lạm dụng. Điều quan trọng nhất là cho trẻ thấy được trách nhiệm tương ứng với hành vi mà chúng thực hiện. Từ đó khi đến tuổi dậy thì, đứng trước ngưỡng cửa của đòi hỏi của bản năng, trẻ sẽ biết cân nhắc chín chắn hơn về những quyết định liên quan đến tình dục.
Gợi ý phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ
Cha mẹ có thể tham khảo một số phương pháp giáo dục giới tính do các nhà nghiên cứu tâm sinh lý thiếu niên gợi ý như sau:
Cung cấp sách báo về tâm sinh lý (có chọn lọc) để giúp trẻ hiểu thấu đáo về bản thân để các em không hành động thiếu hiểu biết. Dạy về tình dục và ngừa thai không có nghĩa là bạn cho phép con mình thực hiện những điều ấy, mà là để trẻ có nhận thức đúng đắn và biết cách phòng tránh.
Không nên quá nghiêm khắc hay tránh né khi trẻ có vấn đề tế nhị cần hỏi. Hãy cho trẻ thấy cha mẹ lúc nào cũng lắng nghe, sẵn sàng thảo luận cùng con. Nếu vấn đề con bạn nêu làm bạn thực sự lo ngại hoặc giận dữ, thì hãy cố gắng kiềm chế và không được gạt phắt vấn đề mà con đang trình bày.
Hãy giúp trẻ phát huy lòng tự trọng và nhân cách. Cha mẹ nên hướng con vào những hoạt động lành mạnh như chơi thể thao, tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm.
Những tấm gương tốt luôn có giá trị đối với trẻ. Nếu trẻ biết được một ai đó đang giúp đỡ mọi người thì sẽ tin cậy người đó, sẽ hỏi han người đó về tình yêu, tình dục mà không sợ bị quở trách. Cha mẹ có mối quan hệ tốt, thường xuyên chăm sóc nhau sẽ giúp con cái nhận ra những giá trị tình cảm chân thành. Chẳng hạn là người cha, bạn hãy quan tâm đến con gái mình. Khi thấy con gái lớn rồi, bạn không ôm hôn con nữa thì hãy giải thích tại sao, đừng chỉ im lặng sẽ khiến con bị tổn thương.
Tạo những giới hạn hợp lý chứ không nên khư khư giữ chặt con cái mình. Sự khắt khe quá mức có thể làm con cái trở nên bất trị. Cha mẹ thường nghĩ rằng họ có thể ngăn ngừa chuyện quan hệ tình dục của con bằng cách quản lý giờ giấc nghiêm ngặt. Thế nhưng, thông thường những chuyện như thế lại hay xảy ra ngay trong nhà, khi cha mẹ đi vắng. "Chọn bạn mà chơi" cũng là lời nhắc nhở cha mẹ nên cảnh giác không nên để con có quan hệ với bạn bè hư hỏng.
Không nên cho con uống rượu trong những buổi tiệc tùng, nhưng đừng "cấm". Hãy giải thích rõ cho con biết khi say, con người sẽ mất hết lý trí và dễ làm những chuyện sai trái. Sự nghiêm khắc của cha mẹ sẽ giúp con dễ từ chối khi bị bạn bè ép buộc, con bạn có thể nói rằng: "Cha mẹ không cho phép mình làm điều đó".
Anh Tuấn (Tổng hợp)